Loài xâm lấn Bình bát - Annona glabra

Bình bát là một loài cây xâm lấn ở phía bắc Queensland thuộc Úc[11] và ở Sri Lanka, ở những nơi đó chúng phát triển ở các cửa sông và các đầm lầy ngập mặn. Nó đã được du nhập vào Bắc Queensland vào khoảng năm 1912 để làm gốc ghép cho các loài Annona tương tự như mãng cầu.[12] Cây con sinh trưởng trải thảm dọc các bờ, chúng ngăn các loài khác nảy mầm hoặc phát triển. Chúng cũng ảnh hưởng đến các nông trại khi phát triển dọc theo các đường biên và cống rãnh của nông trại. Bình bát cũng xâm nhập và làm biến đổi các khu vực vốn không bị xáo trộn.[13] Điều này có thể được quan sát trong trường hợp Vườn quốc gia đầm lầy Eubenangee của Úc.[3]

Ở Úc, hạt giống bình bát có thể được lan truyền bởi đà điểu đầu mào phương nam. Hạt của quả đã được tìm thấy trong phân của chúng với khoảng cách phát tán lên đến 5.212 m được ghi lại trong một nghiên cứu năm 2008, và đã đăng trên tạp chí Diversity and Distributions.[14] Tuy nhiên, bản thân loài đà điểu đầu mào phương nam là một loài có nguy cơ tuyệt chủng ở Úc. Theo Bộ Môi trường và Năng lượng của chính phủ Úc, chỉ còn lại khoảng 20-25% môi trường sống cho chúng. Ngoài ra, một phần trong kế hoạch phục hồi của chính phủ bao gồm các hành động hướng tới việc thiết lập các vườn ươm chứa đầy các loài thực vật mà đà điểu đầu mào phương nam tiêu thụ.[15] Vì bình bát là một trong những loại thực phẩm được chúng ăn, việc tái phục hồi có thể là cần thiết để đảm bảo đà điểu đầu mào phương nam có nguồn thức ăn thay thế sẵn có. Khi quần thể bình bát được kiểm soát, thảm thực vật tự nhiên có thể tái sinh mà không cần sự can thiệp của con người.[3]

Do tác động của bình bát đối với môi trường như một loài xâm lấn, chính phủ Úc đã phân loại bình bát là Cây cỏ dại.[16] Ngoài ra, chúng được coi là loài cây được xếp hạng cao nhất trong đánh giá rủi ro cỏ dại vùng nhiệt đới ẩm vào năm 2003.[12] Ở Sri Lanka, chúng được dùng làm một giống ghép cho táo mãng cầu và mọc lan rộng ra các vùng đầm lầy xung quanh Colombo.[4]